Giới thiệu về cụ Tiểu La

VÀI NÉT VỀ TIỂU SỬ CỤ TIỂU LA – NGUYỄN THÀNH

(1863 -1911)

Tieu La

 

Chí sĩ Nguyễn Thành hay còn gọi là Nguyễn Hàm, dân quanh vùng quen gọi Ấm Hàm, tự là Triết Phu, hiệu là Tiểu La. Quê ở làng Thạnh Mỹ, huyện Lễ Dương, phủ Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam. (Nay là thôn Quý Thạnh, xã Bình Quý, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam)

Ông xuất thân trong một gia đình quan lại Triều Nguyễn, con trai Bố chánh Kinh lược sứ Nguyễn Trường, dưới triều vua Tự Đức, sau được bổ chức Kinh lược nha sơn phòng sứ tỉnh Bình Định.
Thuở nhỏ, Nguyễn Thành nổi tiếng thông minh, hiếu học. Trong tác phẩm "Người chủ mưu phong trào du học Nhật Bản" Phan Bội Châu viết: "Tiên sinh Nguyễn Thành lúc nhỏ rất thông minh, đỉnh ngộ, lớn lên có tính khẳng khái khác thường, đầu tiên học chữ Hán nghe hiểu nhớ nhiều, hơn cả bạn bè". Ông theo cha học văn lẫn võ ở Bình Định. Đến năm 1885 về kinh dự thi Hương. Năm ấy, vụ biến kinh thành Huế nổ ra, kinh thành thất thủ. Từ đó Ông gác bút nghiên, cống hiến cả đời mình cho sự nghiệp cứu nước, giải phóng dân tộc.

Hưởng ứng hịch Cần Vương (9/1885) do Phụ chính đại thần Tôn Thất Thuyết phò giá vua Hàm Nghi chạy ra Tân Sở - Quảng Trị, xuống chiếu kêu gọi nhân dân "Cần Vương kháng Pháp". Tại quê nhà Quảng Nam, Nghĩa hội Quảng Nam ra đời. Cuộc họp đầu tiên được tổ chức tại thôn Phò Nam, xã Hoà Liên, huyện Hoà Vang, tiến sĩ Trần Văn Dư được đại hội bầu làm thủ lĩnh Nghĩa Hội, phó bảng Nguyễn Duy Hiệu làm phó suý (soái), cử nhân Phan Bá Phiến – nguyên Tri huyện Phù Cát làm tham mưu Nghĩa Hội. Với lòng dạt dào tình yêu quê hương, yêu đất nước, Nguyễn Thành liền dấn thân vào con đường cứu nước và tham gia dưới ngọn cờ Nghĩa Hội.
Do uy tín và tài năng, cụ Nguyễn Thành được Nghĩa Hội uỷ thác trao chức Tán tướng quân vụ kiêm Tham biện tỉnh vụ Quảng Nam, địa bàn hoạt động từ Thăng Bình đến Quảng Ngãi. Chỉ trong mấy năm, Nghĩa quân dưới quyền chỉ huy của cụ đã lập được nhiều căn cứ với nhiều chiến công ở sông Vu Gia, Thu Bồn, Đà Nẵng...gây nhiều tiếng vang, khiến cho thực dân pháp phải kính nể.
Năm 1887, Nghĩa quân của Mai Xuân Thưởng bị bao vây ráo riết ở chiến trường Ngãi - Định. Nguyễn Thành đã đưa quân vào tiếp ứng, quân của ông đã giúp Nghĩa quân của Mai Xuân Thưởng thoát vòng vây của địch và củng cố Nghĩa Hội ở hai tỉnh Quảng Ngãi, Bình Định.
Thế nhưng, vì quân ít thế cô, vũ khí thô sơ lại không qua trường lớp huấn luyện cơ bản, phải đối phó trước quân đội tinh nhuệ hùng mạnh với vũ khí hiện đại nên Phong trào Cần Vương ở Nam - Ngãi - Định bước vào thời kỳ tan rã. Nguyễn Thành đưa quân về ứng cứu cho Nghĩa Hội Quảng Nam. Trên đường rút quân, ông bị giặc chặn đánh và bắt tại Cầu Cháy, Bình Sơn - Quảng Ngãi.
Tại nhà giam Quảng Ngãi, Nguyễn Thành khước từ mọi âm mưu mua chuộc, hòng lôi kéo Ông cộng tác với Pháp do Nguyễn Thân thực hiện. Cuối cùng, nhằm làm xoa dịu và để thuyết phục con em giới sĩ phu lớp trước, kẻ thù buộc phải đưa ông về quản thúc tại quê nhà.
Từ đây Nguyễn Thành bắt đầu thời kỳ 15 năm mai danh ẩn tích, nhưng sục sôi lòng yêu nước. Tại quê nhà Ông lập "Sơn trang trại Nam Thịnh", bề ngoài là một tổ chức sản xuất với thú điền viên, bên trong Ông bí mật liên kết với sĩ phu văn thân yêu nước như: Tán Hai Lê Vĩnh Huy, Tán Tương Đỗ Đăng Tuyển, Tán Nhì (Ông Ích Nhì), Tán Thiện (Ông Ích Thiện), Châu Thượng Văn...nhất là kết tình giao du với các nhà khoa bảng yêu nước như: Chí sĩ Phan Chu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng, Lê Bá Trinh, Phan Thúc Duyện... mượn cớ là đến chúc mừng các vị ấy đỗ vị thứ cao trong khoa thi Hương năm Canh Tý (1900).
Tiếng lành đồn xa, từ năm 1903 chí sĩ Phan Bội Châu - Người anh tài của Xứ Nghệ nghe tiếng bèn nhiều lần tìm đến thăm hỏi cùng với cụ "mật nghị quốc sự". Với cuộc gặp lịch sử này, phong trào giải phóng dân tộc ở nước ta bước sang một trang sử mới.
Tháng 5/1904, tại Sơn trang trại Nam Thịnh, Nguyễn Thành cùng với Phan Bội Châu và nhiều sĩ phu yêu nước khác đã khai sinh ra Duy Tân hội, tiền thân của Phong trào Đông Du, tiền thân của Việt Nam Quang phục hội Xứ Nghệ và Xứ Quảng. Nguyễn Thành lấy hiệu Tiểu La, bí mật vận động kinh tài, tổ chức thương hội và đưa thanh niên sang Nhật du học với mưu cầu cứu nước, giải phóng dân tộc sau này.
Năm 1908, Phong trào Duy Tân lên cao như sóng nước triều dâng, cuộc biểu tình kháng sưu đầu tiên nổ ra ở Đại Lộc nhanh chóng lan rộng ra khắp tỉnh Quảng Nam và các tỉnh Trung Kỳ mà sử quen gọi là "Trung Kỳ dân biến". Thực dân Pháp thẳng tay đàn áp, hầu hết các nhà yêu nước đều bị bắt giết hoặc bị tù đày khổ sai. Cụ Tiểu La cũng không tránh khỏi, cụ bị bắt và kết tội "theo đảng bội quốc, ngầm thông với nước ngoài, đề xướng dân quyền" kết án 9 năm tù biệt xứ đi Côn Đảo.
Ra đảo được mấy tháng, được tin tại quê nhà vợ mất, rồi sau đó người con gái qua đời. Kế tiếp là hung tin, Nhật cấu kết với Pháp trục xuất du học sinh Việt Nam và Phan Bội Châu ra khỏi Nhật Bản. Đau xót trước viễn cảnh "Nước mất nhà tan", Cụ Lâm bệnh thổ huyết và mất tại Côn Đảo vào ngày 11/11/1911 khi tuổi đời chỉ mới 48 và mãi hơn 50 năm sau (1957), con cháu cụ Tiểu La mới đưa hài cốt của cụ về an táng tại quê nhà.
Khi ở trong ngục, dù bị hành hạ cụ vẫn có những câu văn cùng với những bài thơ chữ Hán, vĩnh quyết đồng bạn thật đậm đà chua xót: "Thời cuộc xoay vần, cơ hội tốt sẽ đến, giông mây Đông Á sau này còn nhiều cuộc biến đổi, anh em hãy gắng lên". Bài thơ chữ Hán đã được chí sĩ Huỳnh Thúc Kháng dịch, trong đó có đoạn:
" Một việc chưa thành tóc nhuộm màu
Non sông ngoảnh lại thẹn mày râu.
...
Mở toang hai mắt trông trời đất
Ngắm thử mười năm vẫn thế ru"
Vô cùng thương tiếc trước cái chết của người Chí sĩ yêu nước tài hoa, chí sĩ Lê Bá Trinh khóc cụ Tiểu La qua mấy vần thơ:
Bạn bè chuyện trò sầu quên lãng
Yêu ma gặp gỡ nói ôn tồn
Thương người cỡi gió miền Côn Đảo
Tiếc bạn vùi thân chốn suối vàng.
Đánh giá về thân thế sự nghiệp cùng chân tài của Tiểu La được thể hiện qua bài Văn tế khóc Tiểu La của chí sĩ Sào Nam – Phan Bội Châu, có đoạn:
"Hỡi ôi, Tiểu La anh ơi!...
Nghĩ một người đào tạo ra em, thành tựu cho em, mà bây giờ kẻ mất người còn hồn trời phách đất!
Mây Hải Vân mờ mịt bóng gương vàng
Bể Đà Nẵng chập chờn cơn sóng bạc!...
Than ôi!
Lịch sử anh thế nào! Nhân cách anh thế nào! những ai là người, có mắt, có tai, chắc đều biết thảy.
Em xin kể lại mấy câu, còn tường thuật thuỷ chung em đã viết vào bản "Việt Nam nghĩa sĩ liệt" bằng Hán văn rồi vậy... "
Một bậc chân tài như chí sĩ Sào Nam đã không tiếc lời ca ngợi về Tiểu La như thế, chúng ta đủ biết vai trò và vị trí của Tiểu La - Nguyễn Thành trong phong trào yêu nước cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX.

Tổng lược và biên soạn : Huỳnh Văn Chung
Tổ : Sử - Địa - GDCD - Trường THPT Tiểu La

 

------------------------------------------------


Tin mới hơn:
Tin cũ hơn: