Thơ Tiểu La - Đôi dòng suy ngẫm

THƠ TIỂU LA – ĐÔI DÒNG SUY NGẪM

Võ Ngọc Dũng - TT tổ Ngữ Văn

images1307284 tieu la

Chân dung Cụ Tiểu La - Nguyễn Thành

       Ngày 11/11/1911 sóng biển Côn Lôn hát khúc bi ai tiễn biệt nhà chí sĩ yêu nước Tiểu La - Nguyễn Thành người con ưu tú của đất Quảng, về yên nghỉ nơi lòng đất mẹ. Từ bấy đến nay, đã hơn một thế kỉ. Ngần ấy thời gian cũng đủ để các thế hệ con cháu ghi lòng tạc dạ về những cống hiến quý báu của Tiểu La- Nguyễn Thành đối với sự nghiệp giải phóng dân tộc. Đôi dòng suy ngẫm về những trang thơ còn lại của ông cũng không ngoài tầm tình ngưỡng vọng tri ân ấy.

     Xuất thân trong một gia đình quan lại, lẽ thường Nguyễn Thành sẽ dốc lòng dùi mài kinh sử để rạng danh khoa bảng; song giữa thời buổi nhiễu nhương của đất nước, ông không hề yên phận, nên đã sớm tham gia vào cuộc đấu tranh chống kẻ thù xâm lược. Cuộc đời của ông gắn liền với các phong trào yêu nước. Cái tâm của ông mãi nghĩ suy về những kế sách đánh giặc nên dường như không còn chỗ cho những sáng tác thơ văn. Mặc dù ông hội đủ những điều kiện để mưu một nghiệp văn. Mãi đến những năm cuối, khi bị cầm tù ở Côn Đảo ông mới có được những trang văn, trang thơ để lại cho đời.

     Những bài thơ quý hiếm của Tiểu La - Nguyễn Thành hầu hết được đăng tải trong tập Thi tù tùng thoại do Huỳnh Thúc Kháng trích dịch. Thơ ông hàm súc, kiệm lời và được chi phối đậm nét bởi nguyên tắc "ý tại ngôn ngoại" của văn chương phương Đông. Qua những bài thơ này, ta dễ dàng nhận thấy một con người "ưu thời mẫn thế", luôn trĩu nặng một tâm tư "ưu dân ái quốc" và ngời sáng một ý chí, một khí phách của bậc chính nhân quân tử.

     Người xưa có câu: Thi ngôn chí (thơ- để nói lên cái chí của mình). Điều này thật ứng hợp với thơ Tiểu La- Nguyễn Thành. Trong bài Vịnh con cóc ông viết:

Thiên địa bất bình nan bế khẩu,
Phong vân vị chí thả mai đầu.
( Trời đất bất bình không nín miệng
Gió mây chưa gặp, tạm giấu mình )

     Trời hạn hán gây khốn đốn cho muôn loài. Duy chỉ có con cóc là dám lên tiếng kiện trời. Đọc thoáng qua, cứ ngỡ là chuyện cổ dân gian Cóc kiện trời được cô lại trong một vần thơ. Ngẫm ra còn nhiều điều sâu xa hơn thế. Giặc pháp xâm lược gây bao tang thương, chết chóc cho dân ta. Ai nỡ lòng cam chịu. Mượn chuyện con cóc, tác giả ngầm vẽ ra một bức tranh u ám của thời cuộc và bày tỏ nỗi bất bình nan bế khẩu của mình cũng là của muôn triệu người Việt Nam yêu nước trước họa ngoại xâm. Nhà thơ Nguyễn Khuyến từng trải lòng với non sông đất nước qua một tiếng cuốc kêu: Năm canh máu chảy đêm hè vắng. Sáu khắc hồn tan bóng nguyệt mờ (Cuốc kêu cảm hứng ). Có điều, tiếng thơ Nguyễn Khuyến cũng chỉ là tiếng lòng, chỉ là sự chảy máu ở bên trong. Còn sự lên tiếng trong thơ Tiểu La gắn liền với những chuẩn bị cho một hành động:

" Phong vân vị chí thả mai đầu "
( Gió mây chưa gặp, tạm giấu mình )

     Cần phải ẩn nhẫn chờ thời cơ thuận lợi, đó là bài học mà Nguyễn Thành đã rút ra trong cuộc đời hoạt động chính trị của mình. Ngày trước Nguyễn Trãi, Lê Lợi mưu tính đại sự cũng bắt đầu từ việc "tạm giấu mình" này ( Ta đây: Núi Lam Sơn dấy nghĩa, chốn hoang dã nương mình...- Bình Ngô đại cáo)... Câu thơ để lại một khoảng lặng: Phải chăng Nguyễn Thành muốn nhắc đến thời gian từ 1887 đến 1903; sau thất bại của Nghĩa hội Cần vương, ông ở lại quê nhà phụng dưỡng mẹ già, nghiên cứu tân thư binh pháp, vui thú điền viên nhưng thực ra là tự giấu bóng, chờ thời cơ khởi sự. Thời cơ ấy đã đến khi ông gặp được Phan Bội Châu và trở thành yếu nhân của Duy Tân hội sau này. Tiếc rằng, vì những lý do khách quan lẫn chủ quan mà sự nghiệp đấu tranh chính nghĩa của ông và nhiều sĩ phu khác phải gánh chịu thất bại.

     Bị bắt và bị đày ra Côn Đảo với án khổ sai, Tiểu La vẫn không nhụt chí. Hiện lên trong bài Tích niên kim nhật đáo Côn Lôn là một nhân cách cứng cỏi đáng khâm phục:

Tự ngã suy đồi tâm vị lão
Thị thùy khảng khái chí du tồn
( Như ta suy yếu lòng không chết
Ấy ai khảng khái chí đang còn )

     Lời thơ là lời tự bạch của chính tác giả. Bao buồn thương, cay đắng ập đến với Tiểu La: Vợ mất, con gái qua đời, sau đó là tin phong trào Đông du gặp bất lợi...Dẫu vậy, ông vẫn viết: Thân ta suy yếu lòng không chết. Phẩm chất kiên định ấy của nhà chí sĩ càng nổi bật hơn ở cái nhìn biện chúng vào tương lai:

Phong vân biến huyễn chân kham xá,
Thiên địa tuần hoàn bất đãi ngôn "
( Gió mây tráo chác trăm hình đổi
Trời đất vần xoay một quặng tròn )

     Hơn 300 năm trước, nhà bác học Galile'e bị cầm tù vì ông muốn bảo vệ chân lý. Bị tù mà Galile'e vẫn vui, vì ông nghĩ rằng: Dù sao trái đất vẫn quay. Cũng trong niềm tin về sự chiến thắng của chân lý, Tiểu La luôn lạc quan về lẽ tuần hoàn của trời đất, về sự thay hình đổi dạng của đất nước ở ngày mai.
Trước khi từ giã cõi đời, trong vô vàn nỗi đau về thể xác lẫn tinh thần, Tiểu La đã để lại một bài Tuyệt mệnh thi với lời lẽ thật xúc động:
Hai câu đề của bài thơ hàm ý tự trách, tự dằn vặt mình:

" Nhất sự vô thành mấn dĩ ban,
Thử sanh hà diện kiến giang san ".
( Một việc chưa thành tóc nhuộm màu
Non sông ngoảnh lại thẹn mày râu )

     Tâm can người viết như được bộc bạch trên từng câu chữ. Đem hết cái tâm, cái tài dấn thân vào con đường cứu nước, nhưng không thành. Con người ấy tự thấy buồn, thấy thẹn. Có điều, đây là nỗi thẹn đáng trân trọng. Nỗi thẹn vì một sự nghiệp cách mạng không thành, một hoài bão cứu nước không thể thực hiện. Ấy cũng là nỗi thẹn mà chí sĩ Phan Bội Châu đã thổ lộ trong bài thơ Bài ca chúc tết thanh niên: Thẹn cùng sông, buồn cùng núi, tủi cùng trăng. Hai mươi năm lẻ đã từng chua với xót...Cao quý thay nỗi thẹn của các bậc anh hùng!

     Ở hai câu kết, Tuyệt mệnh thi một lần nữa, lại mở ra một cái nhìn đầy lạc quan, mang tâm thức dự báo về sự vận hành của trời đất, vận hành của lịch sử cách mạng Việt Nam, của tiền đồ dân tộc.

Vô cùng thiên địa khai song nhãn
Tái thập niên lai thí nhất quan .
( Mở toang hai mắt trông trời đất
Ngắm thử mười năm vẫn thế ru! )

     Ai đó đã nói: Thà thắp lên ngọn nến nhỏ trong đêm còn hơn ngồi mà nguyền rủa bóng đêm. Trong hiện thực tăm tối của đất nước những năm đầu thế kỷ XX, Tiểu La- Nguyễn Thành bằng những chiến tích lẫy lừng, bằng những dòng thơ tâm huyết, đúng là đã kịp thắp lên một ngọn nến của dũng khí, của niềm tin và hy vọng.

     Thơ Tiểu La thực sự là tiếng nói của tấm lòng sắt son, da diết với dân với nước. Suy ngẫm về thơ Tiểu La ta càng thêm yêu, thêm kính một nhân cách lớn, đáng để cho hậu thế học tập, noi gương...

 

 


Tin mới hơn: